CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ CÁC NHÓM LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ

     Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016 của Tổng cục Thống kê [1], lực lượng lao động cả nước là 54.445 triệu người, trong đó lao động nữ là 26.372 triệu người (chiếm 48,4% lực lượng lao động); 68,1% lao động nữ tập trung ở khu vực nông thôn; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ khoảng 72,5% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam là 82,4%. Lực lượng lao động thanh niên (15-29 tuối) khoảng 14,4 triệu người (chiếm 26,3%), trong đó thanh niên nông thôn khoảng 9,9 triệu người. Chất lượng lao động từng bước được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về đào tạo chuyên môn, kỹ thuật: chỉ có 20,9% lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó 12,0% lao động đã qua đào tạo có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tỷ lệ này ở lao động nữ tương ứng là 18,4% và 12,6%; ở lao dộng thanh niên tương ứng là 28,1% và 11,7%.
     Số liệu tính đến đầu năm 2019, cả nước có 53,3 triệu lao động có việc làm, trong đó, có 25,86 triệu lao động nữ (chiếm 48,5%), 13,5 triệu thanh niên có việc làm (chiếm 2/3 thanh niên Việt Nam). Tuy nhiên chất lượng việc làm còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm không cao. Lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao như dịch vụ, dệt may, da giày… (chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này); 62,3% lao động nữ làm việc tại gia đình (tỷ lệ này của cả nước là 56,0%); 40,8% lao động nữ làm những công việc giản đơn (tỷ lệ này của cả nước là 38,0%); 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (tỷ lệ này của cả nước là 41,9%). Lương bình quân tháng của lao động nữ làm công hưởng lương khoảng 4,74 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,30 triệu đồng.
     Lao động thanh niên có 58,6% làm công hưởng lương nhưng gần một nửa trong số đó không có hợp đồng bằng văn bản; 41,4% thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương, riêng tại khu vực nông thôn tỷ lệ này khá cao (50,8%). Xét theo cơ cấu việc làm, có 35,5% thanh niên làm việc trong ngành nông nghiệp; 33,6% thanh niên làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng; 30,9% thanh niên làm việc trong ngành dịch vụ (cơ cấu chung của cả nước là 41,54%, 25,05% và 33,41%). Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn, có đến 47,2% thanh niên vẫn làm việc trong ngành nông nghiệp với năng suất, chất lượng thấp. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam: số người thất nghiệp là thanh niên chiếm tỷ lệ 70,1%,  số người thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15-24 tuổi chiếm tỷ lệ 55,3%. Mức độ thất nghiệp của thanh niên có xu hướng tăng dần theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên có trình độ cao đẳng khoảng 18,1%, đại học trở lên là 23%, trong khi tỷ lệ này của nhóm thanh niên có trình độ sơ cấp và trung cấp thẩp hơn rất nhiều (lần lượt 5,3% và 11,8%).

     Chính sách về lao động việc làm ty đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn tồn tại những hạn chế như: chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định, bền vững trong việc làm và hiệu quả tạo việc làm còn thấp; chất lượng lao động trong đó có lao động nữ, lao động thanh niên thấp; hệ thống chính sách việc làm còn thiếu các chính sách riêng nhằm đây mạnh tạo việc làm cho nhóm các đối tượng đặc thù như lao động nữ, lao động thanh niên, các nguồn lực hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp… Chính vì vậy Nhà nước đã rà soát, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động nói chung và các nhóm lao động đặc thù nói riêng. Các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ việc làm tính đến thời điểm hiện nay bao gồm:
     Một là: Luật Việc làm số 38/2013/QH13 ngày 16/11/2013 của Quốc hội quy định các điều khoản về việc làm và các đối tượng lao động, trong đó có các nhóm lao động đặc thù như lao động nữ và thanh niên [2];
     Hai là: Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa 11, trong đó dành riêng Điều 13 quy định bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và các biện pháp thúc đấy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động [3];
     Ba là: Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội khóa 13, trong đó dành riêng Chương X để quy định riêng đối với lao động nữ, quy dịnh các chính sách của Nhà nước, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ, bảo vệ thai sản, bảo vệ việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản và những công việc không được sử dụng lao động nữ [4];
     Bốn là: Luật Thanh niên số 53/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội, trong đó dành riêng Điều 18 quy định về thanh niên trong lao động, quy định trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức và gia đình để tạo điều kiện cho thanh niên có việc làm [5]. Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên đã hướng dẫn cụ thể thanh niên trong lao động và việc làm [6].
     Năm là: Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định vê chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm [7];
     Sáu là: Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ [8];
     Bảy là: Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, quy định các mục tiêu và giải pháp nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động [9].
     Tám là: Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 [10].
     Bên cạnh đó, Nhà nước còn ban hành các chính sách về hỗ trợ lao động thuộc 62 huyện nghèo đi xuất khẩu lao động theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ [11]; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách phát triên dịch vụ việc làm và thị trường lao động đều hướng tới việc hỗ trợ học nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nữ và lao động thanh niên.

2

Ảnh. Việc làm cho lao động nữ

Xem thêm: Trung Tâm Bảo Hành Sony Tại BÌNH DƯƠNG

     Các chính sách của Nhà nước tập trung vào các nội dung nhằm đẩy mạnh giải quyết việc làm; hoàn thiện thế chế, chính sách về việc làm, thị trường lao dộng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập; hỗ trợ việc làm cho lao động nữ, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ; hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp; tăng cường lồng ghép nội dung bình đẳng giới, quan tâm giải quyết việc làm cho lao động nữ, nhất là ở khu vực nông thôn thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyên khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghê cho người lao động, nhất là lao động nữ nông thôn lớn tuổi; thực hiện ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm đối với các dự án tạo nhiều việc làm cho lao động thanh niên, lao động nữ nông thôn từ Quỹ quốc gia về việc làm; tăng cường thông tin, tuyên truyên về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cho lao động nữ, lao động thanh niên song song với việc giáo dục, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới…
     Tình hình kinh tế – xã hội nước ta trong bối cảnh hội nhập ngày nay có nhiều biến động mạnh. Người lao động, đặc biệt là lao động đặc thù gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với điều kiện lao động, công nghệ và những thay đổi mới. Chính vì vậy, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ, thúc đẩy tiêu dùng xã hội tạo tiền đề quan trọng trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động nữ, lao động thanh niên. Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện chính sách về việc làm và giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, cho lao động nữ, lao động thanh niên nói riêng, đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy việc làm, thị trường lao động, góp phần tạo thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
——————–
 

[1] Tổng cục thống kê (2016). Kết quả điều tra lao động việc làm năm 2016.
[2] Quốc hội (2013). Luật số: 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013, Luật Việc làm
[3] Quốc hội (2006). Luật số 73/2006/QH11 của Quốc hội, Luật Bình đẳng giới.
[4] Quốc hội (2012). Luật số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012, Bộ luật Lao động
[5] Quốc hội (2005). Luật số 53/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật Thanh niên.
[6] Chính phủ (2007). Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh niên.
[7] Chính phủ (2015). Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09 tháng 07 năm 2015. Nghị định quy định  về  chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.
[8] Chính phủ (2015). Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về chính sách đối với lao động nữ
[9] Thủ tướng Chính phủ (2010). Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.
[10] Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược; phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
[11] Thủ tướng Chính phủ (2009). Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020

Có thể bạn quan tâm
Alternate Text Gọi ngay
XSMB