TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VIỆC LÀM VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM | Cổng Thông Tin Điện Tử Ủy Ban Nhân Dân Xã Ninh Phước | cong-thong-tin-dien-tu-uy-ban-nhan-dan-xa-ninh-phuoc

     Thị trường lao động (hoặc thị trường sức lao động) là nơi thực hiện các quan hệ xã hội giữa người bán sức lao động (người lao động làm thuê) và người mua sức lao động (người sử dụng sức lao động), thông qua các hình thức thỏa thuận về giá cả (tiền công, tiền lương) và các điều kiện làm việc khác, trên cơ sở một hợp đồng lao động bằng văn bản, bằng miệng, hoặc thông qua các dạng hợp đồng hay thỏa thuận khác. Thị trường lao động được cấu thành bởi ba yếu tố là: cung, cầu và giá cả sức lao động. Thị trường lao động có thể hoạt động có hiệu quả chỉ khi các quyền tự do mua, bán sức lao động được đảm bảo bằng luật pháp và bằng hệ thống các chính sách liên quan đến quyền, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia thị trường.
     Hiện nay, thị trường lao động của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá như sau: chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Đặc biệt, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp (trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp) và kỷ luật lao động kém.

1

Ảnh 1: Hội thảo về tiếp cận chính sách tạo việc làm

     Lực lượng lao động Việt Nam là 54,56 triệu người, tuy nhiên số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ có 11,39 triệu lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ (bao gồm các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học), chiếm 20,92% tổng lực lượng lao động. Tương quan về số lượng lao động có trình độ đại học trở lên với các trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp nghề là 1-0,35-0,56-0,38. Tương quan này cảnh báo về sự thiếu hụt kỹ sư thực hành và công nhân kỹ thuật bậc cao trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
     Trên thực tế chất lượng, cơ cấu lao động có chuyên môn kĩ thuật chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đã dẫn đến tình trạng nhiều người lao động có chuyên môn kĩ thuật làm việc không đúng trình độ hoặc làm các công việc giản đơn hay bị thất nghiệp trong thời gian qua. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 ước tính 53,7 triệu người, tăng 416,1 nghìn người so với năm 2016. Trong tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2017, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 40,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 25,7%; khu vực dịch vụ chiếm 34,0%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc năm 2017 khu vực thành thị chiếm 31,9%; khu vực nông thôn chiếm 68,1%. Số người có việc làm trong quý I năm 2018 ước tính là 53,4 triệu người, tăng 74,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; quý II là 53,4 triệu người, tăng 164,3 nghìn người; quý III là 53,8 triệu người, tăng 496,9 nghìn người; quý IV là 54,1 triệu người, tăng 671,8 nghìn người. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,78%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (Từ 15-24 tuổi) năm 2017 là 7,51%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động năm 2017 là 1,63%, thấp hơn mức 1,66% của năm 2016.
     Nhằm khắc phục tình trạng thất nghiệp của người lao động, Nhà nước ban hành các chính sách về việc làm và phát triển thị trường lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, góp phần tích cực vào việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời tận dụng lợi thế để phát triển, tiến kịp khu vực và thế giới. Trên cơ sở các quy định của Bộ luật Lao động và Luật Việc làm, Chính phủ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhằm quy định cụ thể các chính sách về hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, nhất là cho các nhóm lao động yếu thế; các chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động (chính sách bảo hiểm thất nghiệp); các chính sách về tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, định hướng nghề nghiệp, thông tin dự báo thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động; các chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp… góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân. Cụ thể Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ tạo việc làm (Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hồ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm [1] và các Thông tư hướng dẫn: Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH [2], Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH [3], Thông tư số 11/2017/TT-BLĐTBXH [4], Thông tư số 24/2017/TT-BLĐTBXH [5]). Sau khi được Nhà nước ban hành, các chính sách được triển khai thực hiện và đã giải quyết việc làm cho người lao động, đem lại những kết quả nhất định cho sự phát triển đất nước. Cụ thể như sau:
     Quy mô kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá (tốc độ tăng trưởng GDP đạt gần 6%/năm giai đoạn 2011-2016, năm 2017 tăng 6,81%; quy mô vốn đầu tư xã hội cao (bình quân chiếm 31,8% GDP giai đoạn 2011-2015), các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển mạnh (giai đoạn 2011-2016, mỗi năm có trên 80 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, năm 2017 có gần 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới) … là dộng lực chủ yếu để tạo thêm nhiều việc làm ổn định và bền vững cho người lao động. Giai đoạn từ 2011-2017, hằng năm cả nước đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5-1,6 triệu lao động (năm 2011: 1,538 triệu lao dộng, năm 2012: 1,52 triệu lao động, năm 2013: 1,54 triệu lao động, năm 2014: 1,6 triệu lao động, năm 2015: 1,617 triệu lao động, năm 2016: 1,641 triệu lao động và năm 2017 giải quyết việc làm cho khoảng 1,633 triệu lao).
     Quỹ quốc gia về việc làm cho vay hằng năm từ 2.200-2.500 tỷ đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động, tỷ lệ nợ quá hạn thấp (khoảng 0,8% tổng dư nợ), tỷ lệ sử dụng vốn cao (hàng năm đạt trên 98% tổng nguồn vốn của Quỹ). Giai đoạn 2011-2015, cả nước hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm cho khoảng 530 nghìn lao động. Năm 2016 thông qua Quỹ quốc gia về việc làm hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 105.000 lao động, năm 2017 hỗ trợ tạo việc làm cho trên 114 nghìn lao động, trong đó chủ yếu là lao động ở khu vực nông thôn (chiếm khoảng 90%), lao động nữ (chiếm 67%) và các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người khuyết tật (2.540 người), lao động là người dân tộc thiểu số (6.112 người), lao động bị thu hồi đất…
     Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm và các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm được quan tâm và đầu tư nhằm nâng cao năng lực trong tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động; đào tạo kỹ năng cho người lao động; thực hiện các chương trình, dự án việc làm và tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiếm thất nghiệp. Giai đoạn 2011-2017 số lao động tìm kiếm việc làm, số doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua hệ thống các Trung tâm đều tăng qua các năm, các trung tâm đã tư vấn cho 16.782.109 lượt người (trong đó có 9.565.802 lượt người lao động được tư vấn về việc làm, chiếm 57%; lao động nữ được tư vấn chiếm 46,35%); tổ chức được 6.790 phiên giao dịch việc làm; kết nối 63 website của các Trung tâm dịch vụ việc làm tại cổng thông tin điện tử việc làm Việt Nam với hơn 220 triệu lượt truy cập…
     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế như: các chính sách về việc làm chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội, các chính sách còn mang tính chung chung; chính sách tiền lương chưa phù hợp, chưa tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; phạm vi bao phủ của các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế; các chính sách kinh tế thường thiếu định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành gắn với nhu cầu lao động và đào tạo lao động tương ứng… Đồng thời, việc triển khai thực hiện các chính sách còn chậm, thiếu cán bộ cơ sở, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; chất lượng lao động hạn chế, năng suất lao động thấp; chất lượng việc làm chưa cao; tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động cục bộ diễn biến phức tạp; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác; hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu việc làm kém hiệu quả…
     Trong bối cảnh toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay… đem lại những cơ hội nhưng đồng thời cũng đưa tới những thách thức lớn đối với nước ta trong giải quyết việc làm cho người lao động. Để đảm bảo phát triển hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm, ốn định và nâng cao mức sống của người dân, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp chính sau:
     Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trưòng lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập: nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi, nhất là trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội; hoàn thiện khung khổ pháp lý để vận hành thông suốt và đồng bộ các thị trường, phát triển các yếu tố của thị trường lao động; xem xét và phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế liên quan đến thị trường lao động.
     Thứ hai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ tạo việc làm như Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020; hoạt động hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; lồng ghép chính sách việc làm công trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội…
     Thứ ba, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động: hoàn thiện các chỉ tiêu thị trường lao động theo hướng hội nhập, đặc biệt vừa phải phản ánh được đặc điểm thị trường lao động Việt Nam vừa phải so sánh dược với các nước trên thế giới; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo… giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.
     Thứ tư, nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động của Trung tâm với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp; nâng tần suất phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm.
     Thứ năm, thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động khi thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động; tổ chức thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưõng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; mở rộng và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
     Thứ sáu, tăng cường công tác hướng nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động: phối hợp với Bộ Giáo dục đào tạo thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng đào tạo, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành, nghề trọng điểm quốc gia, các ngành, nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực, quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đẩy mạnh đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành.
     Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc làm nhằm nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm. Cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về việc làm; thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch về chính sách, chế độ đối với người dân.
     Trên đây là tình hình thực hiện chính sách về việc làm và phát triển thị trường lao động. Từ thực tế triển khai chính sách ta thấy được những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại, nguyên nhân của chúng, từ đó đưa ra giải pháp nhằm phát huy những lợi thế, tháo gỡ những khó khăn để thị trường lao động tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường hoàn thiện về khuân khổ luật pháp, thể chế, các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện… nhằm góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước./.
———————

Xem thêm: Vay tiền Hội phụ nữ phường điều kiện, lãi suất như thế nào?

Nguồn tin: Tạp chí Giáo dục

Có thể bạn quan tâm
Alternate Text Gọi ngay
XSMB