Người dân các tỉnh miền Trung oằn mình chống bão lũ

Trong 15 ngày qua, mưa như trút, bão trồng bão, lũ các sông không ngừng tăng cao, sạt lở đất ở nhiều nơi làm thiệt hại rất nhiều về người và tài sản của nhân dân miền Trung. Công tác khắc phục hậu quả đang được khẩn trương tiến hành trên tình thần không để người dân bị đói. Tuy nhiên  chưa dừng lại ở đó chỉ khoảng 2 ngày nữa là bão số 8 có nguy cơ đổ bộ vào khu vực này. Dự báo lại tiếp tục gây mưa to đến rất to và đặc biệt to.

Nhiều địa phương ở Miền Trung đang khẩn trương khắc phục thiệt hại mưa bão

Trong 15 ngày qua các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ đã làm cho 133 người chết, mất tích. Rất nhiều tài sản của người dân, công trình của nhà nước bị thiệt hại quá lớn mà chưa thể thống kê hết được.

Tại Quảng Bình

Trong ngày hôm nay 21/10 vẫn có mưa nhưng đến đêm thì giảm. Tuy nhiên lũ phải 1 đến 2 ngày nữa mới rút. Hiện địa phương này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn kéo dài, ngày 20-10, địa bàn toàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra lụt nghiêm trọng. Lũ lụt đã làm hơn 71.000 nhà dân trên địa bàn tỉnh bị ngập, gần 200 thôn, bản bị cô lập, chia cắt và hàng chục nghìn người dân phải di dời khẩn cấp trong đêm.

Do mưa lớn kéo dài, đã làm sạt lở cả quả núi phía sau, tạo thành dòng thác đất bùn tràn xuống san phẳng cả trạm bảo vệ rừng Thác Voi, ở Lâm trường Trường Sơn, đóng tại huyện Bố Trạch.không còn dấu tích.

Tại Hà Tĩnh

Mưa xối xả liên tục kéo dài suốt nhiều ngày đêm, kèm với đó Hồ Kẻ Gỗ đang xả lũ với mức 900 m3/s và dự kiến còn tăng lên. Trước tình hình đó UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có lệnh huy động lực lượng và phương tiện tổ chức sơ tán gần 45.000 người dân vùng hạ du để đảm bảo an toàn. Cụ thể: huyện Cẩm Xuyên: 13.300 hộ, 43.200 người; huyện Thạch Hà: 1.420 hộ, 2.685 người; thành phố Hà Tĩnh: 263 hộ, 701 người.

Dự báo, từ đêm nay đến ngày 21/10, khắp toàn tỉnh tiếp tục có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 300 – 500mm, có nơi trên 500mm. Trong đó, TP Hà Tĩnh được đưa vào “tầm ngắm” những vùng xung yếu nhất về ngập lụt và khả năng ngập lụt sâu trong những ngày tới.

Tại Thừa thiên Huế

Công tác tìm kiếm người mất tích vẫn tích cực được triển khai quyết tâm mở đường vào Rào Trăng 3 để công tác tìm kiếm được thuận lợi.

Trong những ngày này, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế nỗ lực làm tốt công tác cứu trợ bà con vùng sâu vùng xa, vùng thiệt hại nặng; đồng thời tổ chức lực lượng giúp đỡ nhân dân sau bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Đồng thời Ngày 19.10, lực lượng quân đội đã huy động thêm 500 người (Quân khu 4: 300 người, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên -Huế: 200 người) để tham gia công tác tìm kiếm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3.

Tuy nhiên công tác tiếp cận bằng đường bộ vẫn chưa được thuận lợi, công tác tìm kiếm chưa có kết quả.

Tại Quảng Trị

Những ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to, gây ngập lụt trên diện rộng, nhiều nơi vượt đỉnh lũ năm 1999, gây thiệt hại lớn đến tài sản và tính mạng của người dân.

Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 19-10, toàn tỉnh Quảng Trị có 37 người chết, 19 người chưa tìm thấy, 15 người bị thương; có 41.878 hộ với 148.022 nhân khẩu bị ngập lụt.

Đặc biệt, lúc 1 giờ ngày 18-10, tại địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa xảy ra sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4) bị vùi lấp. Trong khi đó, 8.212 hộ với 24.524 nhân khẩu đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Trước đó, mưa lũ làm thiệt hại nặng hệ thống đê kè, đường giao thông; 4 tàu bị chìm, 2 tàu mắc cạn; hàng trăm nhà dân bị sập, trôi, tốc mái; sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, hệ thống điện lưới, cơ sở giáo dục bị thiệt hại nặng…

Trong những ngày tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại những khu vực nguy hiểm, có nguy sơ bị ngập sâu, chia cắt, nhất là các vùng thấp trũng, ven sông suối.

Diễn biến của bão số 8

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Trung Trung Bộ nên ngày hôm nay (21/10), ở khu vực từ Quảng Trị đến Phú Yên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm.

Từ đêm nay mưa giảm dần. Tuy nhiên dự bão số 8 sẽ tiếp tục đổ bộ vào khu vực miền trung từ ngày 25/10.

Vào hồi 04 giờ ngày (21/10), vị trí tâm bão ở khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 119,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 770km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 114,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 360km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 04 giờ ngày 24/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 113,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 120km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Thông tin về cơn bão này chúng tôi sẽ chuyển tải trong các bản tin tiếp theo./

Có thể bạn quan tâm
Alternate Text Gọi ngay
XSMB